Lịch sử Trà_sữa_Mông_Cổ

Sữa là một phần rất quan trọng trong khẩu phần của người Mông Cổ. Sữa được người Mông Cổ uống đến từ nhiều nguồn bao gồm bò, lạc đà, ngựa, bò Tây Tạng, dê và cừu, mặc dù hiện nay sữa từ bò là tiêu chuẩn. Một truyền thống xưa của nhiều người Mông Cổ là không uống nước tự nhiên. Điều này có thể là kết quả của niềm tin theo người Mông Cổ rằng nước là linh thiêng.

Tương truyền rằng, những Đại Hãn du mục thuở xưa, để chống chọi với cái lạnh đêm trường và tăng sức mạnh cho bản thân cũng như binh lính; họ thường chọn trà sữa làm thức uống thay nước. Do đó, sau mỗi cuộc chinh phạt hoặc sau những buổi tiệc rượu sữa ngựa say khướt thì họ uống trà sữa lấy lại tinh thần và sinh lực. Trong những chuyến du mục dài ngày, cả phụ nữa và trẻ em đều yêu thích món trà sữa Mông Cổ. Hầu hết mọi người đều xem đây là một thức uống hàng ngày và dần dần nó đã đi vào nền văn hóa đậm đà bản sắc hoang dã này.

Vào giữa thế kỷ XIII, một giáo sĩ dòng Phanxicô, William của Rubruck, đã lên đường đến Đế quốc Mông Cổ để viết tư liệu về người Mông Cổ. Trong bài tường thuật của mình, Rubruck lưu ý về thói quen uống nước của người Mông Cổ, cho rằng người Mông Cổ "cẩn thận nhất là không uống nước tinh khiết". Ở một vùng đất không có sẵn nước trái cây và rượu, nhiều người Mông Cổ đã chọn uống các sản phẩm làm từ sữa như trà sữa hoặc airag (một loại rượu sữa được pha từ sữa ngựa lên men) thay vì nước tinh khiết.